Cuộc chiến về nền tảng giọng nói

Cuộc chiến về nền tảng giọng nói



Cuộc chiến về nền tảng giọng nói - Năm “đại gia” trong ngành công nghiệp công nghệ – Apple, Google, Amazon, Facebook và Microsoft – cơ bản đang kiểm soát một lĩnh vực riêng nhưng vẫn cạnh tranh với nhau bằng những cách khác nhau


Năm “đại gia” trong ngành công nghiệp công nghệ – Apple, Google, Amazon, Facebook và Microsoft – cơ bản đang kiểm soát một lĩnh vực riêng nhưng vẫn cạnh tranh với nhau bằng những cách khác nhau.

Một sự bất đồng nhỏ giữa hai “đại gia” công nghệ Amazon và Google có thể mở đầu cho một cuộc xung đột lớn tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ: cả hai đều muốn kiểm soát Internet dựa trên nền tảng giọng nói và trận chiến này được dự báo sẽ có thêm những đối thủ mới.

Một sự khởi đầu

Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi Google chặn người dùng thiết bị Fire TV và Echo Show của Amazon xem video trên trang YouTube vào tháng 9 vừa qua. Động thái này có vẻ giống một cuộc đụng độ nhỏ giữa hai công ty công nghệ đang tranh giành vị thế trong những lĩnh vực không mấy quan trọng. Tuy nhiên, nó cũng được dự báo là một sự khởi đầu của một cuộc chiến lớn hơn mà trong đó chiến thắng khó có thể thuộc về bất kỳ ai, kể cả người tiêu dùng.

Chúng ta từng chứng kiến những cuộc chiến về nền tảng như thế trước đây. Đầu tiên là Microsoft, công ty kiểm soát phần lớn những gì mọi người đã làm trên máy tính, kể cả ở nhà và tại nơi làm việc và đánh bật các đối thủ cạnh tranh một cách có hệ thống. Sau đó, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của Internet, sự trỗi dậy của Google, sự hồi sinh của Apple và cuộc cách mạng điện thoại thông minh. Khi cuộc chiến giành sự thống trị trong lĩnh vực công nghệ chuyển sang chiến trường di động, Microsoft mất dần vị thế trong lúc Apple và Google phân chia quyền lực trong mảng hệ điều hành điện thoại di động. Song song đó, Apple và Samsung chia nhau chiếc bánh về phần cứng. Tương tự, cuộc chiến giữa các mạng xã hội cũng quyết liệt nhưng không kéo dài. Cuối cùng, Facebook đã đánh bại tất cả các đối thủ nào muốn thách thức mình, từ MySpace cho đến Google.

Thiết bị Fire TV.

Hiện có năm “đại gia” trong ngành công nghiệp công nghệ: Apple, Google, Amazon, Facebook và Microsoft. Dù tất cả đều cạnh tranh với nhau bằng những cách khác nhau, mỗi công ty cơ bản đang kiểm soát một lĩnh vực: Apple - thiết bị di động; Google - web; Facebook - truyền thông xã hội; Amazon - thương mại điện tử; Microsoft - phần mềm doanh nghiệp. Cục diện này hầu như không có gì thay đổi trong vài năm qua nhưng những diễn biến gần đây chứng tỏ đang có những thay đổi nhất định. Riêng những gì xảy ra giữa Google và Amazon có thể định hình lại toàn cảnh ngành công nghệ mạnh mẽ không kém những gì chiếc điện thoại thông minh đã làm cách đây một thập kỷ hoặc sự phổ biến của Internet tiêu dùng 10 năm trước đó.

Vào tháng 9 vừa qua, Google quyết định không cho phép thiết bị Echo Show - loại loa thông minh có màn hình đính kèm của Amazon - phát nội dung YouTube, dẫn đến cuộc khẩu chiến giữa hai bên thông qua các bản thông cáo báo chí. Gần đây, Amazon tìm cách vượt qua “lệnh cấm” nói trên khi hướng dẫn người sử dụng Echo Show vào được trang web chính của YouTube. Google sau đó tiếp tục ra tay ngăn chặn, cũng như leo thang cuộc chiến khi rút ứng dụng YouTube ra khỏi bộ giải mã tín hiệu truyền hình Fire TV - một thiết bị phổ biến hơn của Amazon và là đối thủ của Chromecast của Google.

Ai có lỗi?

Có thể tóm gọn cuộc chiến này như sau: Amazon – một công ty thương mại điện tử có tham vọng về phần cứng, phần mềm và nội dung – từ chối bán thiết bị phần cứng của Google trên cửa hàng trực tuyến mình. Google – một công ty tìm kiếm trực tuyến với tham vọng phần cứng, phần mềm và nội dung – đã trả đũa bằng cách chặn việc hiển thị các nội dung của mình trên thiết bị phần cứng của Amazon.

Amazon đang sử dụng sức mạnh của nền tảng thương mại điện tử để quảng bá mạnh mẽ các thiết bị tích hợp Alexa, như Echo và Fire TV.

Không có gì lạ khi Amazon chỉ trích Google đã tạo ra một tiền lệ xấu bằng cách ngăn chặn người tiêu dùng truy cập vào một trang web mở. Tuy nhiên, Google lại nói chính Amazon mới là bên khởi đầu cuộc chiến. Công ty này cho biết đã nỗ lực tiến đến việc thỏa thuận với Amazon để cho phép người tiêu dùng truy xuất vào các sản phẩm và dịch vụ của nhau. Tuy nhiên, do Amazon không chịu bán Chromecast của Google hoặc loa thông minh Google Home trên trang web của mình, Google buộc phải chấm dứt việc hỗ trợ YouTube trên Echo Show và Fire TV. Khi tất cả công ty công nghệ lớn cạnh tranh trong hầu hết mọi lĩnh vực, những vụ lùm xùm như thế dường như là điều tất yếu.

Tuy nhiên, sẽ là một sự thiển cận nếu chỉ xem đây là một cuộc tranh chấp đơn thuần về việc ai có thể bán gì trên trang web của ai, hoặc ai có thể xem gì trên thiết bị của ai. Cả Google và Amazon đang đặt cược danh tiếng và các mặt hàng của mình trong cuộc đối đầu nói trên. Bất kỳ sự thiệt hại nào gây ra cho nhau có thể sẽ mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh như Netflix, Roku và nhất là Apple. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại làm việc đó? Tại sao Amazon quan tâm đến chuyện ai đó mua sản phẩm Google trên nền tảng bán hàng của mình và ngược lại, Google sao lại quan tâm chuyện ai đó xem video của mình trên nền tảng của Amazon?

Câu trả lời hợp lý nhất là hai công ty đang lao vào một cuộc chiến nền tảng mới và họ đều biết rõ điều đó. Đây là cuộc chiến giữa các giao diện giọng nói: Alexa của Amazon và Google Assistant, bên cạnh những đối thủ đáng gờm khác, như Siri của Apple và Cortana của Microsoft. Tuy nhiên, Apple và Microsoft vẫn chưa tung ra phần cứng với tiêu chí lấy trợ lý giọng nói làm trung tâm, như Amazon và Google đã làm trong các mẫu loa thông minh Echo và Google Home. Amazon đang nắm sự ưu thế nhờ sự phổ biến của Echo. Nhưng Google tin rằng họ có thể giành chiến thắng về lâu dài bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty vượt trội các đối thủ.

Người ta không khỏi lo lắng về một thế giới, trong đó các công ty công nghệ lớn nhất có quyền hạn chế sự chọn lựa của khách hàng và biện minh cho hành động này bằng cách đổ lỗi cho nhau. Tận dụng sự ưu thế của một công ty đi tiên phong, Amazon đang sử dụng sức mạnh của nền tảng thương mại điện tử để quảng bá mạnh mẽ các thiết bị tích hợp trợ lý giọng nói Alexa, như Echo và Fire TV. Việc từ chối bán những thiết bị tương tự Fire.

TV và Echo như Chromecast hoặc Home dường như là một phần của chiến lược đó.

Để đáp lại, Google đã liên minh với đối thủ lớn nhất của Amazon, “đại gia” bán lẻ truyền thống Walmart – công ty hiện bán thiết bị Home nhưng không bán Echo. Sự hợp tác này cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Walmart: các thiết bị của Amazon được thiết kế để bán sản phẩm từ trang thương mại điện tử này, không phải Walmart. Vì vậy, nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ cũng có lợi ích riêng trong việc cản trở sự tham vọng về giọng nói của Amazon. Một lợi ích khác là Google sẽ bán sản phẩm của Walmart trên thiết bị Home.

Thị trường nền tảng giọng nói đang phát triển nhanh chóng khi công nghệ này xuất hiện trên cả xe hơi, đồng hồ thông minh và dĩ nhiên là không thể thiếu trên chiếc điện thoại thông minh. Những ai kiểm soát được thị trường này có thể gây tác động nhiều hơn đến sự lựa chọn của người sử dụng so với những gì Apple hoặc Google đã làm thông qua các hệ điều hành di động iOS và Android.

Ngô Minh
* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Ngày đăng: 30 January 2018 lượt đọc


Bài viết liên quan

Kaspersky ra mắt Kaspersky Threat Lookup, dịch vụ dữ liệu tình báo bảo mật cho doanh nghiệp
Sau 'Startup' và '4.0', giới kinh doanh nhắc từ khóa gì năm 2018
Sora cuối cùng cũng được ra lò và được tích hợp luôn ở ChatGPT Plus và Pro
Facebook sẽ bắt đầu ưu tiên Newsfeed theo nơi sống của người dùng
Thông báo ITZ Việt Nam chính thức dừng hoạt động
18 lý do để bạn phải lòng 1 lập trình viên