Hướng Dẫn Chi Tiết Thiết Lập Theo Dõi Chuyển Đổi Cho Website Bằng Google Tag Manager
Lý do phải theo dõi chuyển đổi
Trước tiên, bạn hãy tự kiểm tra xem doanh nghiệp mình có gặp một trong các các vấn đề sau không?
- Không biết cách hoặc không có căn cứ để lập kế hoạch doanh thu hay lợi nhuận?
- Không biết khách hàng online chủ yếu là ai, độ tuổi bao nhiêu? Nam hay Nữ…
- Không biết đơn hàng đến từ kênh nào hay trang web cụ thể nào?
- Không biết cần phải tối ưu những gì?
- Không thể đánh giá hiệu quả một chiến dịch marketing, cho dù là SEO hay quảng cáo Google, Facebook, Youtube.
- Thậm chí Bạn sợ không dám tắt một chiến dịch quảng cáo nào vì lo nhầm vào chiến dịch đang ra đơn?
Lượt chuyển đổi là gì
Chuyển đổi là một hành động mà ta mong muốn người dùng thực hiện tại website. Đó có thể là gọi điện, chat Zalo, đặt hàng, liên hệ.
Tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate hay CR) được tính theo tỷ lệ phần trăm số chuyển đổi trên tổng phiên truy cập website.
Thực hiện conversion tracking
Đây là việc thực hiện các bước cần thiết sao cho mỗi khi chuyển đổi xảy ra, hệ thống công cụ Google Analytics sẽ nhận được thông tin để tổng hợp dữ liệu.
Thành thực mà nói, mọi báo cáo marketing sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu tỷ lệ chuyển đổi.
Suy cho cùng, dù Bạn chạy chiến dịch SEO, quảng cáo Facebook, Google Ads hay Youtube Ads, điều mà chủ doanh nghiệp họ quan tâm là kết quả có bao nhiêu cuộc gọi điện, bao nhiêu đơn hàng.
Sau khi thiết lập xong, Bạn có thể:
- Tự tin đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thực tế
- Biết chính xác trang web nào, từ khoá nào, chiến dịch nào, kênh traffic nào hiệu quả để phát huy. Những chỗ chưa hiệu quả để cải thiện.
- Có cơ sở khi lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch marketing (hết cảnh đoán mò khi lập kế hoạch rồi sau đó chỉ biết hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp)
Lợi ích đạt được
Bạn có thể thu được rất nhiều kết luận có giá trị mà liên quan trực tiếp tới hiệu quả công việc digital marketing. Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể.
Đánh giá landing page
Landing page là một trang web thuộc website đang có vai trò làm “cửa ngõ” dẫn traffic về. Tức là người dùng tiếp cận trang web đó đầu tiên khi truy cập website.
Đó có thể là kết quả của một chiến dịch SEO, quảng cáo Facebook, Google Ads, bài share trên mạng xã hội…
Khi có dữ liệu số chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, chúng ta sẽ biết được trang web nào đang mang về nhiều đơn hàng nhất, hay đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó đưa ra được chiến lược khai thác như đưa các offer hấp dẫn vào các trang này.
Cách đánh giá tương tự với các báo cáo tiếp theo đây.
Đánh giá nguồn traffic
Từ báo cáo các kênh traffic, Bạn sẽ biết được chính xác kênh nào tạo ra bao nhiêu chuyển đổi, với tỷ lệ bao nhiêu.
Chiến dịch quảng cáo nào hiệu quả
Các mục tiêu chuyển đổi ở Google Analytics có thể được import vào trình quản lý quảng cáo Google Ads, từ đó Bạn sẽ biết chiến dịch nào tạo ra bao nhiêu đơn hàng, chi phí cho mỗi đơn là bao nhiêu (rất quan trọng trong lập kế hoạch marketing).
Nếu chiến dịch nào không ra đơn, Bạn biết là có vấn đề và cần phải cải thiện.
Từ khoá nào mang lại đơn hàng
Tương tự với báo cáo chiến dịch, báo cáo từ khoá quảng cáo cũng cho chúng ta biết kết quả cho từng từ khoá như hình dưới đây.
Nếu một từ khoá chạy mãi không có chuyển đổi, Bạn có thể tự tin tạm dừng nó cũng như thử nghiệm với các từ khoá mới.
Hy vọng Bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc có dữ liệu CR, giờ là lúc chúng ta vào việc chính ????
Trong các phần tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn:
- Cài đặt chuyển đổi bằng Google Tag Manager
- Cấu hình mục tiêu tại Google Analytics.
- Cài đặt chuyển đổi trong Google Ads (Adwords)
Hành động phổ biến nhất được chọn để thực hiện:
- Gọi điện
- Đặt hàng trên website
Varnish Cache là gì?
Vì sao duyệt Web ngày càng chậm?
Google Tag Manager là gì
Để thực hiện theo dõi hành vi người dùng tại website, chúng ta phải cài đoạn mã lập trình Javascript vào tất cả các trang của website.
Mỗi nền tảng Bạn muốn sử dụng theo dõi thì đều phải cài mã tương ứng. Google Analytics có mã riêng, Google Ads có mã riêng, Facebook, LinkedIn, Twitter….
Điều này rất phiền toái với phần đại đa số vì không phải ai cũng biết lập trình, biết sửa mã nguồn website.
Đó là lý do Google Tag Manager ra đời. Bạn chỉ cần chèn mã do GTM cung cấp vào website một lần duy nhất. Sau này muốn thêm mã gì, chỉ cần vào GTM bổ sung mà không cần can thiệp website nữa.
Cũng có thể hình dung nó như là cái hộp không đáy được lắp sẵn “chờ” tại website. Mỗi khi muốn thêm mã gì, chỉ cần vào GTM thêm là mã đó được tự động cho vào hộp, đồng nghĩa với được gắn vào website.
Tạo tài khoản Google Tag Manager
Dưới đây là các bước cài đặt Google Tag Manager để tạo tài khoản mới.
Bước 1: Truy cập https://tagmanager.google.com/ để tạo tài khoản GTM mới miễn phí.
Bước 2: Điền và chọn thông tin ở 4 mục như hình dưới rồi click “Create” để tạo tài khoản.
- Account Name: Tên tài khoản, có thể lấy tên website hoặc công ty
- Country: Chọn Vietnam
- Container name: Có thể thiết lập tên miền của website
- Target platform: Chọn web
Bước 3: Thực hiện tích chọn đồng ý rồi click Yes.
Bước 4: GTM cung cấp mã container, Bạn cần cài đặt vào website
Lưu ý đoạn mã có 2 phần:
- Phần trên cần đặt trong thẻ
- Phần dưới đặt ngay dưới thẻ
Bạn yêu cầu rõ như vậy tới đội phụ trách website, và cài vào tất cả trang web của website. Thông thường các website có các tệp mã nguồn header chung cho tất cả trang web nên chỉ cần chèn vào tệp đó là được.
Nếu website sử dụng nền tảng WordPress, việc chèn mã GTM đơn giản hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần cài đặt plugin Google Tag Manager for WordPress, sau đó kích hoạt rồi thiết lập mã của container là được. Với ví dụ trên, container ID là GTM-PQGF95T.
Bước 5: Hoàn tất, trở về trang giao diện chính của GTM
Có 3 thành phần chính trong GTM:
- Tags: Là các thẻ, sẽ chứa các mã theo dõi muốn chèn vào website
- Triggers: Là điều kiện kích hoạt khi nào thì chèn thẻ tags vào
- Variables: Đơn thuần là các biến lưu các giá trị, có thể sử dụng trong trigger và tags
Cài đặt chuyển đổi bằng Google Tag Manager
Kế hoạch
Tôi dự kiến sẽ thực hiện:
- Thiết lập mã tracking Google Analytics
- Cài đặt chuyển đổi cuộc gọi
- Cài đặt chuyển đổi đơn hàng
Trong quá trình triển khai, sẽ sử dụng các biến, triggers và tags như sau.
1 biến tên là GAID để lưu giá trị mã tracking Google Analytics. Dựa vào mã này mà Google Analytics có thể thống kê toàn bộ thông tin liên quan đến người dùng và hành vi của họ tại website của chúng ta.
2 triggers để kích hoạt 2 hành động tương ứng: gọi điện và đặt hàng tại website.
- Hành động gọi điện dựa vào hành động click vào link có chứa “tel” (ví dụ khi tôi link vào “tel:0399118891”, bạn có thể click vào đây để gọi điện cho tôi).
- Hành động đặt hàng sẽ dựa vào đường dẫn của trang xác nhận đơn hàng (hoặc là trang cảm ơn), là trang sẽ hiển thị sau khi Bạn hoàn tất việc đặt hàng. Bạn cần biết đường dẫn này để làm căn cứ. Nếu không biết thì cứ đặt hàng thử để tìm đường dẫn trang hoàn thành đơn hàng.
3 thẻ tags: 1 thẻ tag dành cho mã theo dõi Google Analytics. 2 thẻ tags dành để tạo 2 sự kiện tương ứng với việc gọi điện và đặt hàng tại website.
Thiết lập mã tracking Google Analytics
Bước 1: Lấy mã tracking tại Google Analytics. Phần Admin -> Property -> Tracking Info -> Tracking Code
Như ví dụ dưới, ta được mã là: UA-138975843-1
Bước 2: Tại GTM, chọn menu Variables, rồi click button New để tạo biến mới
Bước 3: Tại màn hình mới, click vào hình tròn để chọn kiểu biến. Vì để lưu mã tracking GA nên ta sẽ chọn kiểu là Google Analytics Settings
Bước 4: Đặt tên biến là GAID, điền giá trị mà đã copy ở bước 1 vào mục Tracking ID, sau đó click button Save để lưu lại
Bước 5: Chọn menu Tags, click button New để tạo thẻ tag mới
Bước 6: Chọn kiểu tag là Google Analytics – Universal Analytics
Bước 7: Chọn trigger cho tag là All Pages (là trigger có sẵn trên hệ thống)
Bước 8: Đặt tên cho thẻ là GA – PageView – All Pages, rồi chọn biến GAID mà chúng ta đã tạo ở bước 4 để gán mã tracking tương ứng. Click button Save để hoàn tất.
Như vậy chúng ta hoàn tất phần thiết lập cơ bản, cài đặt mã tracking Google Analytics.
Thiết lập sự kiện gọi điện
Bước 1: Tạo trigger theo trình tự như sau
Chọn menu Triggers, click button New để tạo mới
Chọn loại trigger là Just Links
Đặt tên trigger là Click To Call, chọn “Some Link Clicks” để chỉ theo dõi các link mà ta quan tâm. Trong biến điều kiện, click chọn “Choose Built-in Variable…” để chọn biến từ hệ thống.
Chọn biến Click URL
Thiết lập điều kiện lọc là contains (chứa), điền giá trị tel. Để chúng ta chỉ theo dõi nếu click vào link nào có chứa tel (gọi điện). Click button Save để hoàn tất tạo trigger.
Bước 2: Tạo thẻ tag GA – Event – Call cho sự kiện gọi điện theo cấu hình như sau
Kiểu tag: Vẫn chọn Google Analytics – Universal Analytics
Loại theo dõi: Lần này chọn Event (sự kiện) với các giá trị thiết lập như dưới đây. Lưu ý các thông tin này sẽ được sử dụng để thiết lập mục tiêu tại Google Analytics.
- Category: Call
- Action: {{Page Path}}
- Label: {{Click URL}}
Phần Google Analytics Settings, chọn biến GAID mà chúng ta đã tạo
Phần trigger, chọn Click To Call mà đã tạo ở bước 1
Click button Save để lưu lại tag.
Như vậy chúng ta đã hoàn tất việc thiết lập theo dõi gọi điện. Mỗi khi có cuộc gọi (người dùng click vào link có chứa số điện thoại), sự kiện có Category là Call sẽ được tạo và gửi tới hệ thống Google Analytics.
Thiết lập sự kiện đặt hàng
Bước 1: Xác định đường dẫn trang hoàn tất đơn hàng
Nhiều trang web thì sau khi đặt hàng xong sẽ hiện thị trang xác nhận, đại loại như:
Với các trang web sử dụng nền tảng WordPress + WooCommerce thì mặc định trang hoàn tất đơn hàng có dạng:
Như vậy có thể dựa vào đoạn text cố định “/order-received/” để làm căn cứ xác định là trang này đã được hiển thị, đồng nghĩa với việc có đơn hàng đặt qua website. Trong hướng dẫn này tôi sẽ sử dụng “/order-received/”.
Website của Bạn có thể khác. Nếu không nắm được, Bạn thử đặt hàng tại website rồi xem trang cuối cùng có đường dẫn là gì nhé.
Bước 2: Tạo trigger cho trang xác nhận đơn hàng
Chọn loại trigger mới là Page View.
Đặt tên trigger mới là Web Purchased, chọn Some Page Views rồi thiết lập điều kiện Page Path chứa chuỗi văn bản “/order-received/” như hình dưới. Click Save để tạo trigger.
Bước 3: Tạo thẻ tag GA – Event – Purchased cho sự kiện đặt hàng tại website theo cấu hình như sau.
Kiểu tag: Vẫn chọn Google Analytics – Universal Analytics
Loại theo dõi: Chọn Event (sự kiện) với các giá trị thiết lập như dưới đây. Cũng lưu ý các thông tin này sẽ được sử dụng để thiết lập mục tiêu tại Google Analytics.
- Category: Purchased
- Action: {{Page Path}}
Phần Google Analytics Settings, chọn biến GAID mà chúng ta đã tạo
Phần trigger, chọn Web Purchased mà đã tạo ở bước 2
Click button Save để lưu lại tag.
Xuất bản công khai GTM
Đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn tất 3 việc:
- Thiết lập mã tracking Google Analytics
- Thiết lập sự kiện gọi điện
- Thiết lập sự kiện đặt hàng
Tuy nhiên, các thẻ tags hay triggers chưa có hiệu lực.
Chúng ta cần phải xuất bản GTM, để GTM có thể thực hiện chèn các mã vào website.
Để thực hiện việc này, Bạn hãy thực hiện thao tác sau.
Tại màn hình chính GTM, click button Submit để bật trình kích hoạt.
Điền thông tin ghi chú cho lần xuất bản này, rồi click vào button Publish.
Nếu không có lỗi gì, màn hình như sau sẽ hiển thị.
Như vậy chúng ta đã xong việc với GTM.
Thiết lập mục tiêu tại Google Analytics
Với thiết lập tại GTM, mỗi khi có cuộc gọi điện hoặc đơn hàng tại website, Google Analytics sẽ nhận được sự kiện tương ứng.
Tuy nhiên, ngoài 2 sự kiện này, Google Analytics có thể nhận rất nhiều sự kiện khác nữa. Do vậy chúng ta cần thiết lập để cho GA hiểu rằng 2 sự kiện này là đặc biệt, thông qua việc thiết lập mục tiêu (chính là chuyển đổi mà ta quan tâm).
Trình tự thiết lập mục tiêu tại GA như sau:
Bước 1: Tại trang Admin của Google Analytics, chọn Goals (mục tiêu).
Bước 2: Tại màn hình danh sách mục tiêu, chọn NEW GOAL
Bước 3: Thiết lập mục tiêu gọi điện
Chọn thiết lập mục tiêu là kiểu Custom, click button Continue để tiếp tục
Đặt tên mục tiêu thứ nhất là Call (gọi điện), kiểu mục tiêu là Event (sự kiện). Click button Continue để tiếp tục
Chọn điều kiện của sự kiện, Category tương ứng với Call. Click Save để hoàn thành.
Lưu ý: Thông tin này cần phải khớp với thiết lập tại thẻ tag GA – Event – Call tại GTM.
Bước 4: Thiết lập mục tiêu mua hàng qua website
Thực hiện tương tự như bước trên.
- Tên mục tiêu: Purchased
- Thiết lập: Custom
- Loại mục tiêu: Event, Category tương ứng Purchased
Click Save để hoàn thành.
Bước 5: Xác nhận tại màn hình Google Analytics
Như hình dưới, phần Conversions (chuyển đổi) đã có hai mục tiêu được thiết lập: Call và Purchased.
Cài đặt chuyển đổi Google Ads (AdWords)
Điều tuyệt vời là chúng ta có thể import các mục tiêu (chuyển đổi) đã thiết lập tại Google Analytics để sử dụng trong Google Ads. Nhờ đó sẽ đánh giá được chiến dịch hay từ khoá nào đang tạo ra đơn hàng.
Để thực hiện Bạn thực hiện theo các bước sau.
Bước 1: Tại màn hình Google Ads, chọn TOOLS (công cụ), sau đó chọn Conversions (chuyển đổi).
Bước 2: Click biểu tượng dấu + để thêm mới chuyển đổi
Bước 3: Chọn Import (vì chúng ta muốn lấy thiết lập chuyển đổi từ Google Analytics)
Bước 4: Chọn Google Analytics rồi click vào button CONTINUE
Bước 5: Chọn các mục tiêu tại Google Analytics để import vào Google Ads. Click vào IMPORT AND CONTINUE để hoàn thành.
Chú ý: Nếu không thấy hiển thị các mục tiêu của Google Analytics (GA), thì có lẽ Bạn chưa thực hiện kết nối tài khoản GA với Google Ads. Bạn chỉ cần vào TOOLS, chọn mục Linked accounts, sau đó chọn tài khoản GA tương ứng là được.
Kết luận
Xin chúc mừng bạn đã hoàn tất việc thiết lập tính năng theo dõi chuyển đổi.
Các bước cài đặt chuyển đổi bằng google tag manager giúp bạn có thể theo dõi các đơn hàng qua web hay gọi điện.
Sau khi thực hiện xong, Bạn cần chờ 1-2 tháng để có đủ dữ liệu. Từ đó sẽ thực hiện khai thác, phân tích, đánh giá. Tiến tới thực hiện tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi.
Ôn lại một chút nhé, Bạn còn nhớ các vấn đề tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết chứ?
- Để lập kế hoạch danh thu, Bạn có thể tham khảo cách lập mục tiêu marketing có dựa trên tỷ lệ chuyển đổi
- Để hiểu khách hàng online là ai, độ tuổi, giới tính, sở thích, nhu cầu… Bạn có thể lọc segment khách hàng rồi xem các thông tin đó tại Google Analytics.
- Còn đánh giá hiệu quả, như tôi đã trình bày ví dụ tại phần lợi ích
- Đây là việc Bạn (với vai trò phụ trách công việc marketing) nên làm trực tiếp. Bởi trong quá trình kinh doanh, chúng ta thường xuyên có thêm các chuyển đổi mới cần phải theo dõi.
- Bạn cần làm ngay, đừng chần chừ. Nếu không sẽ mất rất nhiều dữ liệu quý.
Còn rất nhiều chiến lược tuyệt vời để khai thác dữ liệu chuyển đổi này.
- Bạn có thể tạo các chiến dịch quảng cáo chỉ tiếp cận những khách hàng đã mua hàng để bán thêm sản phẩm khác
- Bạn có thể tạo tệp đối tượng tương tự với khách hàng để chạy quảng cáo (tỷ lệ thành công thường cao hơn)
- Bạn có thể theo dõi sự kiện scroll chuột. Sau đó re-target tới những người scroll 50% chẳng hạn, khi đó tỷ lệ thành công rất cao. Vì đó là những người rất quan tấm đến nội dung, sản phẩm.
Do vậy, dù là khi tư vấn, đào tạo hay chia sẻ với mọi người, tôi luôn khuyến khích họ thực hiện thiết lập theo dõi chuyển đổi. Tôi luôn tin rằng dữ liệu chuyển đổi sẽ quyết định gần như tất cả, từ chiến lược tối ưu đến mở rộng quy mô kinh doanh.
Theo nextsmarter.com
Khắc phục tất cả các vấn đề trên trang web của bạn