Mất cơ hội vì ngồi chờ…công nghiệp 4.0
Năm 2017 vừa qua, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã được đề cập tới rất nhiều, song dường như doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa chuẩn bị được nhiều. Trong khi đó, làm thế nào để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức luôn là câu hỏi không có mẫu số chung cho tất cả DN.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, nó ảnh hưởng tới bản thân các bạn ra sao?Sau 'Startup' và '4.0', giới kinh doanh nhắc từ khóa gì năm 2018
Từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực internet, nêu quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaon, đánh giá trình độ công nghệ của nhiều DN Việt Nam hiện đang ở mức độ… chưa đến 2.0.
“Nguy” nhiều hơn “cơ”
Theo đó, ông Quý đặt vấn đề: “Hiện có nhiều DN chưa áp dụng phần mềm quản lý khách hàng (công nghệ dưới 2.0), chứ chưa nói tới phần mềm quản lý khách hàng ở mức độ 2.0 – có nghĩa một khách hàng phản ánh ở đâu, DN phải biết và trả lời ngay. Thêm vào đó, với phần mềm nhân sự, thử hỏi có bao nhiêu công ty đang dùng?”.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, chia sẻ: cho rằng CMCN 4.0 là cơ hội “bằng vàng” để chúng ta có thể ứng dụng công nghệ thông tin đến tận gốc rễ, cải thiện năng suất lao động và tiết kiệm được chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, “Nếu tư duy quản lý của DN Việt chưa thực sự cởi mở với các phát kiến mới. Nếu DN không thay đổi thì “nguy” nhiều hơn là “cơ”. DN Việt Nam có thể để thị trường rơi vào tay DN nước ngoài”, ông bình nhận xét.
Trên thực tế, trong khoảng 4 – 7 năm gần đây, nhiều startup công nghệ đã ra đời, tác động mạnh đến hoạt động của ngành vận tải công nghệ. Lấy ví dụ như taxi truyền thống, tiêu tốn nhiều nhân lực. Hay với ngân hàng, thời gian gần đây đã phải cắt giảm nhân sự rất nhiều, trước áp lực từ các công ty Fintech.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá: “Người Việt Nam rất tài và rất nhanh, nói 4.0 là “xông” vào ngay, thanh niên khởi nghiệp tưng bừng có ý chí tiếp cận cái mới để làm. Song phải thẳng thắn mà nói, đây là thay đổi cả một thời đại nên không phải “ông” nào nhặt được cái gì thì nhặt, mà phải có tầm nhìn. Nói rõ hơn, cuộc cách mạng này phải có nền tảng 1.0, 2.0, 3.0, điều này sẽ giúp họ đi nhanh hơn vào cuộc cách mạng 4.0. Nhìn lại, Việt Nam đang thiếu nền tảng này”.
Theo ông Thiên, cách đi rút ngắn của Việt Nam không hiệu quả. Trung Quốc, Hàn Quốc nhảy vào công nghệ cao, Việt Nam cứ ôm chặt công nghệ truyền thống, khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp là chủ yếu, việc tiếp cận công nghệ cao rất yếu. Chưa kể những sáng kiến quá lặt vặt, chưa tạo ra chuyển, mang tính thời đại.
“Trong khi đó, muốn thay đổi hẳn thời đại công nghệ, phải đầu tư nguồn lực lớn. Việt Nam bước vào cái mới khó vì thiếu điều kiện. Trung Quốc làm được vì họ có nguồn lực tài chính mạnh”, ông Thiên cho biết.
Ông Thiên nhấn mạnh: Điều khiến chúng ta đau đầu hơn là lấy gì để trả chi phí chuyển đổi. Mỗi bước đi cũng cần phải trả giá mới được cái tuyệt vời, không muốn trả giá thì làm gì có, phải “cắn răng” làm. Nhưng “cắn răng” hơi yếu làm cho câu chuyện khó khăn hơn. Đồng thời, một quốc gia muốn phát triển phải có ý chí phát triển. Ý chí phát triển của Việt Nam có vẻ có nhưng chưa tập trung.
Cần chương trình hành động cụ thể
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với CMCN 4.0, cơ hội có nhưng tận dụng hay không là chuyện khác, vì trình độ công nghệ của Việt Nam khá thấp, kỹ năng thấp. Cơ hội mở ra lớn cho một số ngành phát triển vượt bậc. Nhưng liệu mình có đầu tư được không, có phát triển được nguồn nhân lực không?
Bà Lan nêu quan điểm: Làm cái gì cũng phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tự mình sản xuất, tiêu thụ lẫn nhau thì chưa có khả năng. Phải tham gia, lôi kéo được các nhà đầu tư chủ chốt bên ngoài, nhất là công ty đa quốc gia, nắm các chuỗi, các ngành công nghệ.
“Để làm được, đòi hỏi năng lực của Nhà nước, thể chế của Việt Nam cũng phải cạnh tranh thì người ta mới làm. Nhất là các ngành công nghệ, họ sợ sở hữu trí tuệ không được đảm bảo. Cũng như năng lực các đơn vị liên quan có thể làm được với họ, kể cả DN lẫn người làm công nghệ của Việt Nam”, bà Lan nói.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaon Nguyễn Minh Quý chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh: Thời gian qua, cộng đồng DN ghi nhận sự quan tâm từ các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ DN tiếp cận với cuộc cách mạng này, ở đâu cũng nói tới CMCN 4.0. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, phía DN cần có chương trình hành động mang tính cụ thể, rõ ràng về mục tiêu và đa chiều hơn.
Ngược lại, để tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0, DN phải tiếp cận từng phần. “Bản thân DN không thể ngồi đó chờ cơ hội tới mà cần phải chủ động hơn. Các DN phải nhận thức chuyển đổi số là gì, tại sao cần phải chuyển đổi, các bước phải làm và thực trạng DN mình ở đâu. Kế hoạch hành động trong từng tuần, tháng, năm, quý”, ông Quý nói.
Hơn nữa, vị CEO này cho rằng về CMCN 4.0, chúng ta đừng “đao to búa lớn”, cũng đừng lấy sự trung bình xã hội để áp dụng cho DN mình, mà nên đứng trên phương diện DN, hãy xác định mình ở đâu, có cái gì, thiếu cái gì. Trong lộ trình đó, mình có thể làm được cái gì, sau đó đưa ra chương trình hành động, đặt mục tiêu ngắn hạn.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận CMCN 4.0 là cách mạng trí tuệ nhân tạo, với công nghệ mới, người máy… Đây là cuộc cách mạng tái cấu trúc kinh tế và tái cấu trúc DN, tác động đến các các kỹ năng, sản phẩm, ngành nghề. Vì vậy, DN hãy làm cái gì ăn cái đấy, ưu tiên cái nào, nguồn lực ra sao, “bóc ngắn cắn dài” ra sao…
Về vấn đề nguồn nhân lực có đảm bảo trong cuộc cách mạng này không, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Đại học FPT, cho rằng hiện chúng ta cứ bàn về cách mạng 4.0… Vậy làm thế nào để thích ứng được với sự thay đổi, biến động của cuộc sống. Trước tiên, cần đào tạo ra một thế hệ các bạn trẻ biết cách tự học.
“Việc tự học là một kỹ năng sinh viên nào cũng cần có, dù để tự học có kết quả là một việc rất khó. Nhưng nếu ai có khả năng tự học thì sẽ làm chủ công nghệ và nhanh chóng thích ứng được với thời kỳ công nghệ số”, ông Nam kiến nghị.